Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Một cách kiếm tiền vô tội vạ


MỘT CÁCH KIẾM TIỀN VÔ TỘI VẠRất nhiều bạn đọc cũng như các phóng viên kinh tế hỏi tôi về nghịch lý tại sao những ngân hàng Việt dư tiền nhiều, lợi nhuận cao; trong khi các doanh nghiệp tư nhân vẫn thiếu tín dụng trầm trọng.
Thực ra, nguyên nhân của vụ việc này rất dễ hiểu và phương cách kiếm tiền của ngân hàng Việt cũng không khác các ngân hàng Mỹ trong kỳ khủng hoảng tài chánh bao nhiêu. Cuối 2007, khi nợ xấu và thanh khoản của các đại gia ngân hàng Mỹ đe dọa trầm trọng sự sinh tồn của nền tài chánh cờ bạc, Bush rồi Obama (dưới ảnh hưởng của nhóm Goldman Sachs) phải tung các gói kích cầu để cứu bồ. Dưới danh nghĩa ích lợi chung của Main Street (nhóm nhân dân làm ăn thực), Cơ Quan Dự Trữ Trung Ương (Federal Reserve) ra tay cứu Wall Street với hơn 2 ngàn tỷ đô la trong vài năm qua. Fed cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất cực thấp (hiện nay là 0.25%) để các ngân hàng có thanh khỏan mà mở van tín dụng cho doanh nghiệp. Lý thuyết là khi ngân hàng có tiền, doanh nghiệp sẽ được vay để sản xuất, nạn thất nghiệp sẽ giảm, và thị trường sẽ hồi phục.
Nhưng các ông chủ quản lý ngân hàng lại nghĩ khác. Kinh tế đang suy thoái, nợ xấu đang đầm đìa, nhu cầu tiêu dùng thắt lại…đưa tiền cho doanh nghiệp là một phiêu lưu không cấn thiết. Trong khi đó, trái phiếu chánh phủ Mỹ (100% an toàn) đang trả khoảng 3%. Tay phải lấy của chánh phủ 0.25 %, tay trái cho chánh phủ vay lại 3.05%. Một đứa con nít 3 tuổi cũng có thể kiếm tiền suốt ngày với thủ thuật này. Muốn lời cao hơn thì quay qua trái phiếu của Hy Lạp hay Tây Ban Nha. Đó là lý do chính tại sao các năm vừa qua, các đại ngân hàng Mỹ luôn có siêu lợi nhuận. Chánh phủ còn tốt hơn với mấy đứa con cưng: họ bỏ thêm cả núi tiền để mua lại các nợ xấu.
Dĩ nhiên, các chánh trị gia lúc đó kêu gào là các ngân hàng đã lợi dụng tiền thuế của dân để thủ lợi mà không đếm xỉa gì đến lợi ích chung. Nhưng các chuyên gia độc lập đều thừa biết rằng khi thiết kế các gói kích cầu này, các nhà lãnh đạo tài chánh trong Toà Bạch Ốc đã biết rất rõ đường đi của dòng tiền: OPM (tiền thuế của dân), để chúng chạy lăng quăng một chút cho mất dấu, rồi quay về lại chánh phủ, trừ đi các khoản huê hồng, 2% lợi nhuận, tiền lời thoải mái cho các bạn đồng nghiệp cũ. Nếu dân có kêu ca, thì cho Obama và bà vợ làm vài bài diễn văn vô nghĩa cho đám dân ngu (thực ra họ không ngu, nhưng quá bận mưu sinh, coi đá bóng, chơi game, quay cuồng với siêu sao và surf không ngớt các trang sex trên mạng…). Một bài tính nhỏ cho thấy 3% của 2 ngàn tỷ là 60 tỷ đô la chưa tính các phí giao dịch và huê hồng.
Khoảng 2.000 người ở Mỹ đi tù dài hạn trong năm 2011 vì cướp nhà băng một tổng số tiền là 7.5 triệu đô la. Không một người nào đi tù sau khi các ngân hàng móc túi Main Street để đánh bạc và để thua hơn 3 ngàn tỷ đô la trong 5 năm qua ở Wall Street. Obama vẫn coi các gói kích cầu là một chiến tích của mình khi vận đông tranh cử nhiệm kỳ 2. Các tập đoàn tài chánh và ngân hàng Mỹ thì âm thầm ghi nhận lợi nhuận cả trăm tỷ đô la mỗi năm. Các dân nghèo thì vẫn thất nghiệp dài dài và nhà cửa bị tịch biên vẫn gia tăng. Đại đa số người dân thì vẫn quan tâm đến các lời phê bình của bạn bè trên Facebook…hơn là chuyện bị ai móc túi.
Các tài liệu tôi đọc cho thấy lãi suất cứu trợ từ NHNN là từ 3.5% đến 8%. Trái phiếu của chánh phủ Việt Nam đang trả từ 11% đến 14%.
Tôi nghĩ là các bạn đọc và các ký giả bây giờ đã hiểu rõ hơn nguyên nhân của nghịch lý này. Thực ra, không có gì là nghịch lý trong một canh bạc bịp.
                                                                                        (Theo Alan Phan)

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Bài học của Gary

“Bài học của Gary” có thể ứng dụng qua nhiều khía cạnh với các bạn trẻ đang tìm việc làm hay các doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng trong cơn bão năm Thìn này. Căn bản của bài học là hai nguyên lý: (a) chăm chú đến giải pháp, không phải vấn đề và (b) nếu biết sáng tạo, chúng ta sẽ tìm giải pháp cho mọi vấn đề.
Tôi quen Gary Woodworth khi ông bước vào cửa hàng bán vật dụng thể thao của người em họ, Tuấn, ở Van Nuys, California. Qua Mỹ năm 1975, Tuấn đi làm bảo vệ được 4 năm, bị đuổi vì ngủ với cô quét dọn văn phòng. Anh chạy ngược xuôi, vay mượn bạn bè bà con, cùng với tiền tiết kiệm cá nhân, hơn 250 ngàn đô la để mở tiệm bán lẻ. Tôi cũng là một nạn nhân bất đắc dĩ.
Hai năm đầu, cửa hàng sống chật vật nhưng cũng có khách và theo ngạn ngữ của Mỹ, Tuấn “giữ được đầu mình khỏi mặt nước” (keep his head above water). Anh còn quay về sở cũ, tán một cô lao công Mễ khác, và cưới cô này đem về phụ trông coi tiệm. Nhưng ảnh hưởng của trận suy thoái 1981- 1983 bắt đầu lan rộng, và tiệm vật dụng thể thao của Tuấn suy sụp. Chi phí và tiêu xài cho gia đình ăn vào vốn và Tuấn mời tôi lên tiệm tư vấn cho anh về thủ tục phá sản. Tôi có thừa kỹ năng vì đang chuẩn bị “đắp chiếu” cho dự án bất động sản của mình bên Arizona.
Gary và giải pháp miễn phí
Gary tươi cười khi bước vào chào hỏi chúng tôi, đang ủ rủ như hai con mèo chết. Khoảng hơn 50 tuổi, áo quần bảnh bao, Gary giống như một thương nghị sĩ với mái tóc trắng và phong cách lịch lãm. Nghĩ Gary là một nhân viên bán hàng từ Nike hay Reebok gì đó, Tuấn bỏ đi uống cà phê, nhờ tôi tiếp dùm.
Gary nói hôm nay là ngày may mắn của ông. Tôi có giải pháp cho vấn đề của ông và ông không phải tốn 1 đồng xu nào. Tôi điện thoại cho Tuấn về ngay vì không một ông chủ doanh nghiệp nào lại có thể bỏ qua một đề nghị hào hứng đến vậy. Đề nghị của Gary rất đơn giản, “ Bổ nhiệm tôi làm quản lý cửa hàng này. Tôi không lãnh lương và cứ mỗi tháng, tính sổ và chia cho tôi 25% số tiền lời của cửa hàng. Tôi cũng được quyền mua lại 30% tổng số cổ phiếu của công ty với giá vốn (book value) trong 2 năm tới. Các ông đang lỗ, chắc chắn không mất gì trong phi vụ này”.
Tuấn đồng ý và Gary bắt đầu ứng dụng nghệ thuật sáng tạo về tiếp thị với các hoạt động hàng ngày. Gary đi tiếp xúc các câu lạc bộ thể thao trong vùng, từ các đội bóng chày nhỏ của trẻ em đến các sân golf, tennis, polo…của các người giàu. Ông còn lập ra chương trình trả hoa hồng cho các người “giới thiệu” và các khách hàng lớn. Ông cũng cất công đi liên tục tìm các nhà tài trợ cho các chương trình thể thao ông sáng lập. Sau 2 tháng, cửa hàng có lời và thu nhập của Gary gia tăng đều đặn. Một năm sau, ông mua lại 30% công ty và 3 năm sau, ông làm chủ 100%. Tuấn ôm được mớ tiền, đi xuống Mexico mở quán bar, tìm thêm vài cô vợ Mễ. Mọi người vui vẻ.
Sáng tạo vì hoàn cảnh
Sau này, những khi ngồi tâm sự riêng với nhau, Gary mới kể cho tôi thêm về nhiều mẩu chuyện khác của đời ông. Sinh ra trong một gia đình thật nghèo ở Arkansas vào thời sau Đại Suy Thoái của Mỹ, ông phải bỏ học từ lớp 7 để giúp cha mẹ nuôi 8 đứa em. Ông làm đủ mọi nghề và chưa bao giờ thất nghiệp một ngày nào, dù không có một học thức hay bằng cấp chính thống nào . Bí quyết của ông là tìm hiểu thật rõ về vấn đề người chủ doanh nghiệp đang đối diện và tìm một giải pháp thỏa đáng trước khi tiếp cận.
Gary nói,” Tôi thấy các bạn trẻ cũng như già đi tìm việc thật buồn cười. Doanh nghiệp đang thua lỗ, trên đường phá sản, muốn đuổi hết nhân viên chưa xong, mà họ lại mở miệng hãy cho tôi một việc làm, trả lương tôi hàng tuần và may ra, tôi có thể giúp. Thay vì giải pháp, họ đề nghị thêm một vần đề mới cho doanh nghiệp? Nhân viên cũ cũng không khá gì hơn. Họ áp lực mọi cách để hưởng thêm quyền lợi bất chấp sự suy sụp của công ty.”
Dĩ nhiên không phải lúc nào Gary cũng thành công với giải pháp đề nghị. Nhiều lần ông cũng mất trắng nhiều thì giờ không lương bổng, hay phạm những sai lầm gây khó thêm cho doanh nghiệp. Nhưng ông ta hãnh diện nói với tôi rằng trong suốt 40 năm bôn ba trong thương trường, ông đã tạo nên vài sự nghiệp đáng kể lên đến cả chục triệu đô la.
Khi cha mẹ mất sớm trong một tai nạn xe cộ, ông mới 19 tuổi. Không muốn sở An Sinh Xã Hội bắt các em đi giao cho các gia đình giàu có, ông làm giả hồ sơ thu nhập và giấy khai sinh của mình để anh em vẫn được đoàn tụ bên nhau (Bên Mỹ, các trẻ em dưới 18 tuổi không có cha mẹ và thu nhập thường được Sở An Sinh đem về chăm sóc để sau đó tìm một gia đình giàu có, ổn định nhận nuôi lại các em).
Ông kiêu hãnh vì đã dùng sức mình nuôi 8 đứa em đi học thành tài, cũng như 3 đứa con sau này. Khi ông qua California gặp chúng tôi, ông vừa mất vợ vì bệnh ung thư và gần 1 triệu đô khi tiền bệnh viện vượt quá số tiền bảo hiểm chi trả. Ông đã bỏ ra hai tuần để điều nghiên cửa hàng của chúng tôi và tìm giải pháp qua các chi tiết số liệu ông thu thập từ khách hàng và thư viện.
Cơ hội khắp nơi cho con người sáng tạo
Lần chót tôi gặp Gary cách đây 8 năm. Dùng phương pháp sáng tạo như đã đề nghị với chúng tôi, ông mua lại một công ty công cộng đang thua lỗ; cũng trong ngành phân phối dụng cụ và đồ thể thao. Ông gia tăng giá trị với những chiêu tiếp thị độc đáo và làm giàu cho mọi cổ đông, nhất là cá nhân ông. Ông nằng nặc mời tôi xuống chiếc du thuyền nhỏ của ông, chạy một vòng vịnh Los Angeles, và xin lỗi về sự khoe khoang này. Ông giải thích “tôi bận quá, mua xong thuyền, không có thì giờ khoe, lấy gì hưởng thụ?”
Sau đó vài năm, ông gởi tôi một Email, nói vừa mua lại một khu nghỉ dưỡng ở Belize cũng bằng phương pháp sáng tạo, không tiền mặt…và sống đời thoải mái trong hưu trí.
Nhu cầu của doanh nghiệp Việt
“Bài học của Gary” có thể ứng dụng qua nhiều khía cạnh với các bạn trẻ đang tìm việc làm hay các doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng trong cơn bão năm Thìn này. Căn bản của bài học là hai nguyên lý: (a) chăm chú đến giải pháp, không phải vấn đề và (b) nếu biết sáng tạo, chúng ta sẽ tìm giải pháp cho mọi vấn đề.
Tôi tin rằng bất cứ doanh nhân nào có ít nhiều thông minh và khôn khéo kiểu Gary có thể mua lại và sở hữu bất cứ một công ty nào đang gặp khó khăn trầm trọng nếu chúng ta biết thiết kế một giải pháp khả thi không tốn kém gì cho doanh nghiệp. Đó là tư duy và hành xử hợp thời nhất vào giai đoạn này cho các nhà quản lý cũng như các chủ doanh nghiệp. Với những đầu óc thâm sâu, đây là những cơ hội M&A thật tuyệt vời. Đừng mong chờ hay tin vào một gói kích cầu của chánh phủ hay các giải pháp từ quan chức hay chuyên gia trong tháp ngà.
Milan Kundera, văn hào của Czech, có thể hơi phấn khích khi ông tuyên bố là …”doanh nghiệp chỉ có 2 nhiệm vụ: tiếp thị và sáng tạo” (Business has only two functions – marketing and innovation); nhưng chắc Gary sẽ hoàn toàn đồng ý.
Theo T/S Alan Phan
12/May/2012